Dồn vốn vào BĐS, nhà băng đối mặt với bẫy thanh khoản ra sao?
Ngân hàng thích cho các đại gia địa ốc vay là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, với các đại gia này, nhà băng có thể bán hàng ngàn tỷ đồng tín
Trước thực trạng một số ngân hàng đang dồn vốn quá lớn cho địa ốc, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát công văn cảnh báo gửi tới các tổ chức tín dụng về việc tăng cường kiểm soát hoạt động cấp tín dụng với các dự án bất động sản (BĐS).
Ngân hàng rót quá nhiều vốn cho BĐS cao cấp
Nội dung công văn của NHNN nêu rõ, báo cáo của các tổ chức tín dụng về tình hình cho vay đối với lĩnh vực BĐS tính đến ngày 31/7/2016 cho thấy ngân hàng đang có mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực BĐS lớn.
Mặt khác, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số chủ đầu tư lớn để tránh tập trung tín dụng và hạn chế cho vay các dự án mới, nhất là các khu nghỉ dưỡng, dự án nhà ở cao cấp, dự án có thanh khoản thấp.
Trước đó, hồi cuối tháng 8/2016, NHNN cũng đã có văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng kiểm soát hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn đối với khách hàng có dư nợ lớn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thanh tra phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro tín dụng, kiên quyết xử lý nghiêm những ngân hàng cấp tín dụng vượt giới hạn.
Điều đó cho thấy, NHNN đang thực sự lo ngại về tín dụng địa ốc. Lần này NHNN đã nêu đích danh một số đại gia BĐS, những tên tuổi lẫy lừng trên thị trường nhà đất, đặc biệt là ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, cao cấp.
Theo lý giải của NHNN, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy nguồn cung nhà ở cao cấp hiện nhiều hơn nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ. Nguồn cung nhà ở cao cấp được dự báo sẽ dư thừa từ nay đến cuối năm.
Như vậy, sự lo lắng của NHNN đã hé mở 2 thực tế đáng ngại. Một là, tín dụng BĐS đang tăng quá mức ở phân khúc cao cấp, vốn có nguy cơ dư thừa. Hai là, vốn ngân hàng đang tập trung vào một số doanh nghiệp lớn, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tuy NHNN chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng BĐS quý III/2016 nhưng tính đến hết quý II/2016, tín dụng BĐS đã đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tốc độ tăng cao hơn so với mức tăng trung bình của ngành.
Nhiều đại gia địa ốc đang là “chúa Chổm” của hàng chục nhà băng, nhiều ngân hàng cho vay BĐS rơi vào tình cảnh “đâm lao phải theo lao” do phải tiếp tục cho vay mới thu hồi được vốn. Nợ trước đè nợ sau với rất nhiều rủi ro.
Ngân hàng đối mặt với bẫy thanh khoản
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, kinh tế 9 tháng đầu năm 2016 tăng chưa đầy 6%, thấp hơn so với cùng kỳ là 6,53%. Tuy nhiên, tín dụng 6 tháng vẫn tăng gần 10,5%, tức gần bằng cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất chậm lại, vậy tại sao vốn rót vào nền kinh tế vẫn tăng? Câu trả lời một phần nằm ở các dự án BĐS cao cấp mọc lên nhan nhản thời gian qua. Khi tiền bơm ra mạnh nhưng sản xuất chưa hấp thụ, chắc chắn sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, tiền đang đổ vào lĩnh vực có cầu ảo và có khả năng tạo bong bóng tài sản.
Ngân hàng thích cho các đại gia địa ốc vay là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, với các đại gia này, nhà băng có thể bán hàng ngàn tỷ đồng tín dụng, bằng cả ngàn khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa cộng lại. Thế nhưng, việc dồn tín dụng cho một số doanh nghiệp lớn có thể khiến ngân hàng tự đưa mình vào bẫy thanh khoản.
Ở một diễn biến liên quan khác, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại dừng nghiệp vụ cho vay tuần hoàn (rollover loan). Cụ thể, các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện thu hồi toàn bộ nợ gốc và lãi khi hết thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng với khách hàng. Điều này khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng, sở dĩ NHNN yêu cầu dừng nghiệp vụ này vì có khả năng nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã đảo nợ khi sử dụng hình thức vay này.
Trước động thái trên của NHNN, giới chuyên gia nhận định, vốn chảy vào các dự án BĐS nghỉ dưỡng, cao cấp thời gian tới sẽ chậm lại. Các dự án nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ… sẽ vẫn được khuyến khích.
Tiến sỹ Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, sở dĩ NHNN phải cảnh báo là do các doanh nghiệp đang có xu hướng tập trung vốn vào các loại hình BĐS cao cấp trong khi thị trường thiếu nhà ở giá rẻ.
Theo ông Lịch: “Nếu ngân hàng rót vốn vào các dự án nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp thì không lo ngại về bong bóng BĐS và cũng không ngại về thanh khoản”.
Leave a Reply